Khắp cõi mạng những giờ gần đây, dân tình đang bàn luận không hồi kết về vụ việc cô dâu bị phốt “khôn lỏi” khi thuê make-up tiệc nhưng lại áp dụng cho tiệc cưới. Đôi bên tranh cãi qua lại khiến hội chị em lẫn dân trong ngành “đứng ngồi không yên”.
Bài đăng được chia sẻ khắp các diễn đàn với lượng tương tác “khủng”.
Cụ thể, vị chuyên gia trang điểm này lên tiếng trước kể rằng, bạn nữ có ghé tiệm đặt hàng make-up đi tiệc nhưng cuối cùng chính vị khách này lại làm cô dâu.
“Book make-up tiệc và thành cô dâu là điều cấm kị nhất trong make-up, dù bạn có muốn làm nhẹ hay như thế nào đi nữa thì cũng nên trao đổi về yêu cầu và mong muốn để MUA (make-up artist) biết, không thể “khôn lỏi” như thế này được. Nếu khách nào cũng như vậy, chắc MUA tụi mình chết mất, bạn không thể trả lương cho một giám đốc như một công nhân được chỉ vì họ cùng làm 8 tiếng một ngày , thì đây là điều tương tự.
Còn về giá thì nếu thấy cao, không đủ khả năng thì bạn có thể tìm một đơn vị phù hợp với khả năng tài chính của bản thân. Mình hi vọng sau trường hợp này, khách hàng có thể có cái nhìn đúng đắn hơn nghề Make-up, dành sự tôn trọng hơn cho tụi mình.” – Vị chuyên gia trang điểm này kể.
Phía bên cô dâu bị “thả phẫn nộ” ở hầu hết những tấm ảnh đăng facebook cũng đã lên tiếng.
“Thứ nhất, em chỉ làm tiệc báo hỉ đãi có mấy bàn bạn bè nên không muốn make-up cầu kỳ, lồng lộn. Nên em đã book chị make-up tiệc. Thứ hai, hôm em có hỏi giá make-up tiệc và make-up cô dâu bao nhiêu, chị báo giá xong chị nói make-up tiệc không làm cô dâu được, thì em nghĩ make-up tiệc sẽ không đẹp bằng make-up cô dâu. Thứ ba, em không phải trong ngành nên em không nắm rõ quy tắc trong nghề như thế nào. Thứ tư, em book chị make-up tiệc, chị cũng make-up tiệc cho em và em đã trả tiền đúng giá em book chứ em không ăn quỵt tiền chị. Lúc em book em có hỏi rõ ràng make-up tiệc có làm tóc không, thì chị bảo có làm tóc. Thì make-up tiệc cũng được yêu cầu kiểu tóc mình muốn làm mà đúng không chị.” – phí cô dâu bị phốt lên tiếng giải thích.
Từ sự việc trên có thể thấy, nguyên nhân của sự hiểu nhầm này chính là việc, phong cách trang điểm tự nhiên đang dần là xu hướng, thay đổi quan điểm lẫn thị yếu của người dùng về làm đẹp. Các cô dâu trong ngày lễ trọng đại luôn muốn bản thân mình xuất hiện 1 cách xinh đẹp, lộng lẫy nhưng phải tự nhiên, gần gũi và không bị “biến hình” quá nhiều với lớp trang điểm dày cộp như thể 1 con người khác. Bên cạnh đó, nhiều chị em khi đi chơi, đi tiệc quan trọng cũng muốn mình chỉn chu nhưng lại không quá lồng lộn nên thường thuê trang điểm. Có lẽ, đã đến lúc, chị em cần bỏ túi cho mình nhiều kiến thức về trang điểm hơn.
Bài viết hôm nay chúng ta sẽ được trò chuyện cùng chuyên gia trang điểm Đức Huy – Chill make-up, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
Đứng góc độ là chuyên gia make-up, anh có thể chia sẻ đôi chút thông tin rằng 2 layout kể trên khác gì nhau?
– Về đối tượng, tính chất: cô dâu là tệp khách hàng có nhu cầu đặc biệt, make-up cho sự kiện trọng đại 1 lần trong đời, vì thế họ mong muốn được đẹp, toả sáng nhất trong ngày trọng đại của mình; còn khách tiệc là khách có nhu cầu làm đẹp thường nhật, mật độ sử dụng dịch vụ thường xuyên hơn. Do đó, tính chất quan trọng của khách tiệc sẽ không thể bằng make-up cô dâu.
– Về thời gian: make-up tiệc trung bình cần 1h-1h30p thực hiện còn make-up cô dâu, chuyên viên sẽ cần trung bình 2h-2h30p.
– Về quy trình: make-up cô dâu phải đặt lịch trước, không chỉ mang tính thời điểm mà cần cả quá trình tư vấn, lắng nghe, tiếp nhận, trao đổi. Đôi bên sẽ thống nhất về nhu cầu, mong muốn, có cả những chỉnh sửa, tiếp thu. Thậm chí, nhiều cô dâu còn có nhu cầu book lịch make-up chỉ để test layout và ghi lại công thức áp dụng chuẩn chỉ cho lễ cưới chính thức.
Theo anh Huy, 2 layout make-up khác nhau rất nhiều dựa trên nhiều yếu tố.
Chính vì thế, MUA ngoài việc phải giao tiếp nhiều hơn, còn phải sử dụng kiến thức chuyên môn và những kĩ năng khác để định hướng cho cô dâu để có được sự hài lòng tuyệt đối về cảm xúc lẫn giá trị thẩm mỹ. Với make-up cô dâu, khách hàng không chỉ bỏ tiền để mua dịch vụ và còn mua sự hài lòng ở mức độ cao nhất. Make-up tiệc có thể đặt trước hoặc là lịch phát sinh, quá trình tìm hiểu nhu cầu và trao đổi với khách hàng diễn ra nhanh chóng hơn. Chính vì thế việc đi đến giao kết, thực hiện cũng diễn ra nhanh hơn, MUA cũng sẽ không mất quá nhiều chất xám trong việc lên layout và đi đến thống nhất với khách hàng.
– Về sản phẩm sử dụng: các sản phẩm make-up tiệc và cô dâu khá tương đồng (điều này tuỳ vào tệp khách mà mỗi MUA hướng tới là cao cấp hay bình dân thì sẽ chọn sản phẩm tương ứng). Tuy nhiên trong make-up cô dâu, MUA sẽ phải bổ sung thêm những sản phẩm đặc biệt làm tăng hiệu ứng bắt mắt hơn, giúp cô dâu có được vẻ ngoài xinh đẹp, bừng sáng và thu hút ánh nhìn nhất trong ngày trọng đại.
– Về kỹ thuật: make-up cô dâu đương nhiên cần sử dụng kết hợp nhiều kỹ thuật phức tạp hơn như nhiều bước, nhiều quy trình giúp make-up look được bền đẹp, giữ màu tốt, lâu xuống tone, giữ trọn vẻ đẹp cho cô dâu trong suốt 1 ngày dài. Thậm chí, MUA còn phải đi theo chăm sóc cô dâu trong suốt tiệc cưới (chi phí này không bao gồm trong make-up).
Đặt 2 layout trang điểm cạnh nhau, nhiều chị em cũng có thể nhận ra sự khác biệt tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ như tạo khối, kẻ mày hay đánh mắt.
Còn make-up tiệc, khách thường chỉ có nhu cầu giữ nền bền đẹp, diện mạo xinh đẹp trong khoảng 1 buổi 6-8h, yêu cầu cũng sẽ cao nhưng không bằng make-up cô dâu. Với make tiệc, MUA hoàn thành nhiệm vụ ngay sau khi khách hàng nghiệm thu và ưng ý với sản phẩm tại thời điểm make-up xong, còn make-up cô dâu có thể kéo dài đến hết lễ cưới (không kể việc chăm sóc khách hàng và hậu mãi).
Chính bởi sự tỉ mỉ, chỉn chu, sự tận tình và cẩn thận từ thời gian, đến thực hiện và cả chăm sóc cho cô dâu đến giây phút cuối cùng mà giá của make-up cô dâu thường cao hơn rất nhiều so với make-up tiệc.
Là chuyên gia, anh có sợ việc khách book mặt đi chơi mà lại làm cô dâu không?
Bản thân mình không sợ việc khách book tiệc để tổ chức đám cưới bởi quá trình tư vấn, mình có thể nắm bắt được khách hàng thực chất muốn make-up nhằm mục đích gì. Khi mình đã giải thích rõ ràng được sự khác nhau, chắc chắn họ sẽ hiểu được tầm quan trọng với diện mạo của họ trong ngày trọng đại nhất.
Hơn nữa, nếu MUA đồng ý make-up cho khách gói tiệc, tức là yêu cầu về thẩm mỹ cho make-up look cũng sẽ chỉ dừng lại ở vẻ ngoài xinh đẹp, nhẹ nhàng, đơn giản, thanh lịch chứ không thể toả sáng và gây ấn tượng như những make-up look cô dâu. Bản thân khách hàng chắc chắn họ cũng phải hiểu điều đó.
Mình tin là chỉ có những khách hàng nào chưa có đủ thông tin để hiểu rõ sự khác biệt giữa make-up tiệc và cô dâu mới làm điều đó. Sẽ không có cô dâu nào ích kỉ với bản thân mình đến nỗi không dành những gì đẹp nhất, tốt nhất cho ngày trọng đại nhất trong cuộc đời (tất nhiên là trong điều kiện cho phép).
Bên cạnh những cô dâu yêu thích vẻ nữ tính, mong manh thì vẫn có nhiều cô dâu lăng xê style làm đẹp kiểu Âu với đôi môi son màu nude và đôi mắt đánh màu khói đậm.
Một điều mình muốn chia sẻ, bỏ qua mục đích của khách hàng make-up để làm gì là nếu đôi bên, 1 bên cung cấp dịch vụ và 1 bên trả tiền đã đi đến thống nhất và thực hiện xong dịch vụ, cả 2 đều hiểu được giá trị tương xứng nhận được từ phía kia. Tức là nếu MUA đã chấp nhận với mức giá make-up tiệc và làm cho khách đúng với yêu cầu của layout tiệc, thì việc khách sử dụng vào mục đích gì là quyền của họ. Tương tự khách bỏ ra một số tiền mua gói make-up tiệc, họ cũng sẽ không thể đòi hỏi những giá trị tương ứng với cô dâu. Đó là một bản quy ước vô hình, có chữ kí bằng lương tâm của cả MUA và khách hàng.
Người đẹp siêu vòng 1 của thế hệ báo teen năm xưa giờ đã bước vào tuổi tiền trung niên. Sắc vóc của cựu hotgirl Hà Thành trẻ trung ngỡ ngàng, bất ngờ…